Nước ngoài 'xử' bạo lực học đường: bắt giam, đưa vào trường giáo dưỡng

Tại Mỹ có tới 49 bang có điều luật hoặc chính sách ngăn chặn bạo lực học đường. Từ cuối năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã ban hành kế hoạch toàn diện nhất nhằm ngăn chặn tình trạng này.

 

 

1048/bao-luc-hoc-duong-2my-3read-only-1554298212672593423755_18042019104616870_xna05cse.mn4.jpg

Bạo lực học đường là "vấn đề nổi cộm tại các trường học" - Ảnh minh họa từ WSLS
 

Chưa bao giờ bạo lực học đường lại trở nên nhức nhối và nổi cộm tại nhiều nước như vài năm trở lại đây. Có ý kiến cho rằng tình trạng này có thể đã bức xúc từ lâu, song nay vì tác động phổ biến của mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội, những vấn đề lớn đáng lo ngại của tình trạng này mới được chú ý.

Lập luận này có lẽ hợp lý, bởi theo trang Governing, khảo sát của một đơn vị thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy tỉ lệ các vụ bạo lực học đường được ghi nhận tại Mỹ vẫn "ổn định" kể từ khi những điều luật chống bắt nạt trong trường đầu tiên có hiệu lực từ năm 2005.

Theo UNICEF, tình trạng bắt nạt và bạo lực giữa trẻ đồng lứa đang ảnh hưởng tới khoảng 150 triệu trẻ đi học trong độ tuổi từ 13-15 trên toàn thế giới.

Phạt hình sự các hành vi bạo lực nghiêm trọng

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định bản thân việc bắt nạt không gây ra tự tử, nhưng những người trẻ bị bắt nạt dễ có nguy cơ trầm cảm hơn, từ đó dễ suy nghĩ tiêu cực, cùng quẫn và rốt cuộc có thể là tự tử.

Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi có tới 49 bang trên tổng số 51 bang và đặc khu Columbia (trừ bang Montana) có những điều khoản hay chính sách quy định cụ thể để giải quyết tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, có 12 bang thậm chí còn đưa cả mức phạt hình sự để xử các hành vi bạo lực nghiêm trọng, từ việc đình chỉ học tập cho tới bắt giam.

Dù vậy, việc phải dùng tới án phạt hình sự cũng chỉ là giải pháp cực chẳng đã, còn nhìn chung, lỗi bắt nạt vẫn được giải quyết ở cấp trường học. Tất cả luật chống bạo lực học đường tại 49 bang của Mỹ đều yêu cầu các trường thiết lập chính sách ngăn chặn ngay tại trường.

Về giải pháp, mỗi bang cũng sẽ có cách của họ. Chẳng hạn, bang Illinois yêu cầu các trường đưa vào chương trình giáo dục cảm xúc xã hội tiên tiến (Social Emotional Learning - SEL) để phòng ngừa bắt nạt.

Cũng có những nơi như thị trấn Sun Prairie, bang Wisconsin, đầu tháng 3 năm nay chính quyền nơi này đã đề nghị điều luật phạt cha mẹ của "những kẻ bắt nạt" số tiền từ 50-1.000 USD khi có hành vi bắt nạt bằng lời lẽ, hành động và bắt nạt trên mạng.

Nhưng cũng có những giải pháp gây nhiều tranh cãi, điển hình là luật chống bắt nạt của bang Florida.

"Hành vi độc hại"

Theo báo South China Morning Post, trong năm 2017 hệ thống tòa án Trung Quốc đã phải xử gần 800 vụ việc bạo lực học đường với gần một nửa số vụ liên quan tới học sinh trong độ tuổi từ 16-18.

Theo khảo sát của PISA công bố năm 2017, Hong Kong là đặc khu đứng đầu tiên trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỉ lệ phần trăm trẻ em báo cáo bị bắt nạt ít nhất vài lần một tháng.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã có những chỉ dẫn toàn diện nhất giải quyết vấn đề BLHĐ được công bố vào cuối năm 2017. Trong văn bản này, Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định bắt nạt trong trường học là "hành vi độc hại", bất kể đó là dạng thức bạo lực về thể chất, lời lẽ hay qua mạng, đều gây những tổn thương về sức khỏe, tâm lý và tiền bạc cho các nạn nhân.

Theo đó, các học sinh có hành vi cư xử tồi có thể bị đuổi học hoặc bị gửi tới các trường giáo dưỡng. Những trường hợp bạo lực nghiêm trọng sẽ do các cơ quan thực thi pháp luật trực tiếp xử lý.

Những em dưới 16 tuổi chưa phải chịu trách nhiệm trong các án phạt hình sự thì cha mẹ hoặc những người bảo trợ các em sẽ phải chịu trách nhiệm thay. Các hiệu trưởng và thầy cô giáo liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm vì không hoàn thành trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo lực trong trường.

Từ bản kế hoạch chỉ đạo này, chính quyền mỗi địa phương sẽ triển khai chính sách tương ứng. Kể từ tháng 12 năm ngoái, các trường học tỉnh Quảng Đông chỉ có 10 ngày để điều tra về khiếu nại bắt nạt và đưa ra hình thức xử phạt cụ thể tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc. Nếu trong giới hạn thời gian đó, nhà trường không đưa ra được giải pháp, lãnh đạo trường sẽ phải đối mặt với các hình thức xử phạt.

Cũng với tinh thần triển khai kế hoạch ngăn bạo lực học đường, theo Hãng tin Tân Hoa xã, sở giáo dục tại tỉnh Hà Bắc công bố thành lập nhóm chuyên trách của tỉnh và thiết lập đường dây nóng giải quyết bạo lực học đường. Một quận tại thủ đô Bắc Kinh yêu cầu các trường học phải báo cáo trong vòng 10 phút khi xảy ra bất cứ vụ việc nào như vậy.

Hãy bắt đầu từ mỗi gia đình

Năm ngoái, câu chuyện một ông bố ở bang Virginia, Mỹ, anh Bryan Thornhill, phạt cậu con trai 10 tuổi phải chạy bộ đi học trong mưa khi ông chạy xe hơi "áp giải" - sau khi cậu bé này bị nhà trường cấm đi xe buýt 3 ngày vì đã bắt nạt bạn học trên xe, đã gây bão mạng.

Người cha 34 tuổi này cho rằng trong đời sống "bạn phải vượt qua những tình huống bạn tự đẩy mình vào đó" và hình phạt này sẽ khiến con trai anh "nhớ đời" để không tái phạm.

Ngoài ra, vì chuyện bắt nạt ở trường có thể xảy ra tại những địa điểm riêng tư, theo thông tin trên trang web Stop Bullying (ngăn chặn bắt nạt) của Chính phủ Mỹ, có thể nhận ra tình trạng này ở các chấn thương không thể giải thích, việc giả ốm đau hay thái độ sợ hãi, tự ti. Những hành vi nghiêm trọng hơn có thể liên quan tới những ý nghĩ tự làm tổn thương cơ thể hay tự tử.

Khi phát hiện tình trạng con bị bắt nạt, theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), cha mẹ nên trò chuyện với con để hiểu rõ chuyện gì đang thực sự diễn ra, giúp trẻ xử lý tình huống nếu chuyện đó tái diễn, và trong trường hợp nghiêm trọng hơn, phải yêu cầu nhà trường và thậm chí cảnh sát can thiệp.

 

Thống kê
  • Đang online: 94.397
  • Hôm nay: 48
  • Hôm qua: 16
  • Tất cả: 6.715